Công viên Yellowstone – Hiểm họa đang ngủ say
Từ vẻ đẹp của một công viên quốc gia cổ nhất thế giới
Công viên quốc gia Yellowstone là một công viên quốc gia nằm ở các bang phía tây: Wyoming, Montana và Idaho của. Yellowstone là công viên quốc gia đầu tiên và xưa nhất thế giới, phần lớn ở góc phía đông của Wyoming. Yellowstone nổi tiếng với các loài động vật hoang dã và các điểm địa nhiệt.
Có đến hơn 200 hố phun nước nóng tại Yellowstone, nổi tiếng nhất là Old Faithful, nơi cứ mỗi 91 phút, nước lại phun lên một lần và cột nước có thể cao tới 40 mét. Hố phun nước nóng lớn nhất thế giới Steamboat cũng nằm tại công viên này. Ở đây còn có suối nước nóng lớn nhất nước Mỹ - đồng thời là suối nước nóng lớn thứ 3 trên thế giới.
Hố phun nước nóng Old Faithful phun trào nước nóng khoảng sau mỗi 91 phút.
Toàn cảnh Grand Prismatic Spring - một trong những địa điểm nổi tiếng nhất ở Yellowstone.
Hệ sinh thái trong công viên rất phong phú, với nhiều loài động thực vật hoang dã quý hiếm, những đỉnh núi cheo leo, những mạch nước nóng, hồ trên núi cao…, biến nơi đây trở thành một trong những địa danh du lịch nổi tiếng nhất nước Mỹ.
Hệ sinh thái trong công viên quốc gia Yellowstone được công nhận là hệ sinh thái lớn nhất thế giới.
Đến mối nguy hại của một siêu núi lửa
Siêu núi lửa Yellowstone Caldera nằm ở trung tâm của hõm chảo Yellowstone – hệ thống núi lửa lớn nhất của Bắc Mỹ. Các nhà khoa học cho biết, siêu núi lửa Yellowstone hoạt động theo chu kỳ 800.000 năm/lần. Nó từng phun trào cách đây 2,1 triệu năm, 1,3 triệu năm và 640.000 năm trước. Tuy nhiên, đó chỉ là những đợt siêu phun trào lớn, vẫn có những đợt phun trào nhỏ hơn được ghi nhận trong khoảng thời gian từ 70.000 đến 640.000 năm trước.
Sơ đồ phác họa của siêu núi lửa Yellowstone Caldera.
Theo các nghiên cứu mới tại Đại học Utah, túi mắc-ma của Yellowstone dài 88 km, rộng 48 km và sâu 14,4 km. Nó lớn gấp 2,5 lần các con số được ước tính trước đây. Siêu núi lửa này có cấu trúc không giống với đa số núi lửa khác nhưng các nhà khoa học tin rằng phía dưới chứa rất nhiều dung nham. Nếu thực sự tỉnh giấc, nó sẽ làm biến đổi khí hậu toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng sự tồn tại của loài người trên trái đất.
Hoạt động của siêu núi lửa Yellowstone cùng với thời tiết nóng của mùa hè khiến nhựa đường bị tan chảy năm 2012.
Khả năng xảy ra vụ phun trào của siêu núi lửa Yellowstone là khoảng 10%, mức cao nhất trong suốt 300 năm qua. Đã có lo ngại rằng siêu núi lửa Yellowstone có thể hoạt động bất kỳ lức nào trong vòng 70 – 80 năm tới, xóa sổ toàn bộ phía Tây Hoa Kỳ và ảnh hưởng tới tiến trình lịch sử toàn cầu.
Và hiểm họa từ giếng Carbon khổng lồ
Sử dụng những thiết bị hiện đại để thăm dò, các nhà địa chất tại Đại học Royal Holloway đã phát hiện ra một giếng carbon nóng chảy khổng lồ nằm sâu hàng trăm km so với bề mặt. Lượng carbon được ước tính nhiều hơn gấp 10.000 lần lượng khí thải của toàn thế giới trong năm 2011 (10 tỷ tấn).
Quy mô khổng lồ của siêu núi lửa Yellowstone Caldera.
Sash Hier-Majumder, trưởng nhóm nghiên cứu, giảng viên cao cấp ngành địa chất học tại Đại học Royal Holloway, cho biết: “Phát tán chỉ 1% lượng khí CO2 tại đây vào khí quyển thôi cũng tương đương với đốt cháy 2,3 nghìn tỷ thùng dầu, cao hơn mức tiêu thụ dầu hàng năm của Mỹ khoảng 325 lần”. Giếng carbon này sẽ là một thảm họa cho cả trái đất nếu nó thoát ra.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng mặc dù carbon sẽ dần dần thoát ra thông qua các vụ phun trào núi lửa, nó sẽ không gây ảnh hưởng lớn tới tốc độ biến đổi khí hậu hiện nay chúng ta đang gặp phải.